Quán Phở Gia Truyền Bát Đàn là một trong những quán Phở ngon Hà Nội, càng ngày càng được nhiều du khách từ xa biết tới. Quán đã đầu tư nồi nấu phở thanh nhiệt để nấu ra những bát phở tuyệt vời. Nếu bạn tới Hà Nội để du lịch, đi chơi, bạn có sẵn sàng xếp hàng đợi để được thưởng thức món phở một trong những quán ngon và nổi tiếng nhất tại Hà Thành?
Bát Đàn là con phố mà những giá trị văn hóa truyền thống xưa dường chỉ còn được gợi nhắc, giữ lại qua tên phố và mái đình cổ kính nằm khiêm nhường bên một góc phố nhỏ.
Phố Bát Đàn dài 248m, nối từ phố Hàng Bồ đến phố Phùng Hưng, chạy ngang ngã tư Hàng Điếu – Hàng Gà và phố Đường Thành. Bát Đàn ngày nay thuộc hai phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, phố được gọi là Hàng Chén (Rue Vieille des tasses). Nơi đây nguyên là phần đất của các thôn Nhân Nội và Tân Khai, đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Bát Đàn với mái đình cổ, phố gốm sứ xưa giờ chỉ còn lại trong tâm thức mỗi người con Hà Nội, nhưng ở con phố nhỏ này vẫn còn lưu giữ được món ăn mang đầy đủ tinh hoa ẩm thực của người Hà Thành.
Bát Đàn – Hương phở xưa thơm mãi đến ngày nay:
“Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon” (Thạch Lam). Cùng với phở Thìn, phở Phú Xuân, phở Gia Truyền – Bát Đàn đã làm nên nét ẩm thực tinh tế, độc đáo của người dân đất kinh kỳ. Phở Gia Truyền Hà Nội đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Không gian quán chật hẹp, mọi thứ đều cũ kĩ cổ xưa, từ biển hiệu, bàn ghế cho đến cách phục vụ. Tất cả dường như không thay đổi, bụi thời gian phủ mờ trên từng góc quán, làm sờn mỗi góc bàn.
Có lẽ, người Hà Nội ngày nay luôn tìm đến phở Gia Truyền không phải chỉ vì hương vị rất khác mà ở không gian cổ xưa đó họ muốn tìm một chút hương vị Hà Nội xưa còn vương vấn đâu đây trong góc quán nhỏ.
Nếu một lần đến với Hà Nội và muốn cảm nhận cuộc sống của Hà Nội xưa, chầm chậm, nhẹ nhàng nhưng bình yên thì bạn hãy mua một tờ báo, xếp hàng chờ đợi và ngồi trong góc quán cổ xưa. Hít hà hương vị phở đậm đà, hơi mặn và không chanh chỉ có vị thanh của dấm giữa không gian nhỏ hẹp,cũ kỹ, bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống cách đây hơn nửa thế kỷ của người Hà Thành xưa trên con phố này. Tất cả vẫn vẹn nguyên cái không khí êm đềm, nhẹ nhàng, vẹn nguyên nét ẩm thực tinh tế mà ẩn chứa chiều sâu văn hóa lịch sử của người dân đất Thăng Long hào hoa, thanh lịch xưa. Nhằm phục vụ nhu cầu lớn của người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương, Phở Gia Truyền Bát Đàn khai trương cở sở mới tại Mỹ Đình Hà Nội. Chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của thưởng thức hương vị Phở đặc sắc Phố Cổ của quý khách.
Bát Đàn – Con đường gốm sứ xưa chỉ còn trong tên phố
Phố Bát Đàn trước đây chia làm hai đoạn: Đoạn thuộc đất thôn Tân Khai, được xây dựng từ khoảng năm 1920. Ở vị trí đầu phố, giáp với phố Phùng Hưng và Đường Thành là khu đất cũ của ngôi trường tiểu học Cửa Đông.
Đoạn thuộc đất thôn Nhân Nội, là một phố có từ xưa, chuyên bán các loại bát, đĩa, ấm, chén, vại, chum, lộc bình bằng đồ đàn (tức là đồ gốm), nên thành tên Bát Đàn như ngày nay. Những người kinh doanh đồ đàn phần lớn là dân gốc ở hai làng Phượng Dực và Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).
Đồ gốm sứ nơi đây đã nổi tiếng khắp đất kinh kỳ Thăng Long. Các loại bát, đĩa, chum vại đều được người dân buôn bán ở phố Bát Đàn đặt mua từ làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng bên kia sông Hồng mang về bán. Sản phẩm đồ gốm sứ được đặt làm thủ công tỉ mẩn, kỳ công. Làng Bát Tràng sử dụng đất sét trắng còn làng Phù Lãng lại dùng đất sét đỏ hồng.
Tuy nhiên, cả hai loại đất khi được dùng để làm đồ sành, gốm sứ đều phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc mầu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Nghệ nhân gốm sứ cũng tùy vào kích cỡ, họa tiết của người kinh doanh bên phố Bát Đàn yêu cầu mà pha chế đất với tỉ lệ khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Chính vì vậy mà chất lượng cũng như các họa tiết hoa văn trên các sản phẩm gốm ở phố Bát Đàn xưa được người dân đất kinh kỳ rất ưa chuộng.
Cửa hàng đồ Đàn thường đơn giản: đồ đàn thường bày ngay trên mặt đất, sát tường là mấy giá hàng nhiều tầng bày lọ lộc bình, bát buộc từng dây, ấm sứ.
Về sau, do thông thương thuận tiện, phố Bát Đàn buôn bán thêm hàng sứ Trung Quốc và Nhật Bản. Hàng sứ Trung Quốc, Nhật Bản tuy không được làm công phu như đồ gốm Bát Tràng nhưng lại có những họa tiết mới lạ nên đồ gốm truyền thống bày bán tại Bát Đàn dần dần bị thu hẹp. Vào khoảng những năm 20, 30 của thế kỷ XX, phố có thêm một số cửa hàng làm đồ da như va li, cặp sách, túi xách, đồ du lịch. Ở đầu phố giáp Hàng Thiếc có mấy nhà bán thừng, dây gai, võng, chão bện được làm bằng đay và gai.
Theo thời gian, phố Bát Đàn sầm uất xưa với hàng gốm sứ dần bị những mặt hàng khác chen lấn, len lỏi và nghề kinh doanh gốm sứ bị lu mờ, mai một và mất hẳn. Đến nay, Bát Đàn chỉ còn là cái tên gợi nhắc một thời phố phường nơi đây nhộn nhịp với đủ các mặt hàng gốm sứ truyền thống nổi tiếng đất Thăng Long xưa.
Bát Đàn – Nét đẹp văn hóa chỉ còn đọng lại bên mái đình hơn nghìn năm tuổi
Nếu như tên phố Bát Đàn gợi lên một phần cuộc sống của người dân đất Thăng Long thì mái đình nằm khiêm nhường bên góc phố nhỏ lại là minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu đời của con phố này.
Bát Đàn ngày nay thuộc làng Nhân Nội xưa. Căn cứ trên những tư liệu cổ mà các cụ già trong làng Nhân Nội (phố Bát Đàn ngày nay) còn lưu giữ thì Nhân Nội là một trong số ít những làng được hình thành từ cách đây hơn 1000 năm, từ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long làng Nhân Nội cũng có từ đó.
Làng Nhân Nội với lịch sử gắn liền với Thăng Long thành đã chứng kiến nhiều dấu tích thăng trầm của lịch sử. Con đường xưa, phố phường xưa…tất cả chỉ còn lưu lại qua mái đình Nhân Nội (tức Đình Vàng Bát Tràng xưa). Đình Nhân Nội hiện nay mang biển số nhà 33 phố Bát Đàn. Đình thờ thần Long Đỗ Đại Vương, biệt hiệu Bạch Mã Đại Vương. Vị thần nằm trong “Tứ trấn Thăng Long”. Đình Nhân Nội được làm theo hai nếp chữ “Nhị”: tiền tế và hậu cung.
Cổng đình cũng là cửa ra vào tiền tế. Phía ngoài cổng xây các trụ đắp câu đối, đỉnh trụ đắp nghê, chính giữa đắp hình cuốn thư, trong có 4 chữ Hán “Nhân Nội Linh từ”. Trong nhà đặt hương án và đồ bát bửu.
Hậu cung cũng được làm một gian vòm lợp mái ống. Bên trong xây bệ thờ đặt tượng Phật, ngai thờ bài vị của thần Bạch Mã, hai bên là tượng Mẫu…
Sau bao thăng trầm của lịch sử, trải qua nhiều biến cố đổi thay, đình Nhân Nội còn lưu giữ một số di vật đáng quý như: 17 đạo sắc phong cho thần Bạch Mã. Sắc phong sớm nhất là Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) và muộn nhất là Duy Tân thứ 3 (1909). Bên cạnh đó còn có Long ngai bài vị thờ Bạch Mã đại vương, nghệ thuật đầu thế kỷ XX, với những nét chạm đẹp, thanh thoát. Đây là những di vật có giá trị về sử liệu, nghệ thuật. Ngoài ra, còn có các vũ khí cổ, các hoành phi câu đối, đều được sơn son thiếp vàng. Bình đồng, lư hương đồng, tượng Phật hầu hết đều thuộc nghệ thuật thế kỷ XX. Sự nhóm họp các tượng trong một thể tổng hợp giữa thần và phật, phản ánh quan niệm “tam giáo” của người Việt.
Hàng năm, tại ngôi đình này đều diễn ra 2 lần Lễ hội vào ngày 13/2 và 13/8 (ngày sinh và hoá của thánh), để tưởng nhớ công lao to lớn của vị thần Long Đỗ đã giúp vua Lý Thái Tổ gây dựng nên thành Thăng Long xưa đặt nền móng cho mảnh đất Hà Nội nay. Đồng thời, Lễ hội cũng là dịp những người con thế hệ sau của phố Bát Đàn biết về nguồn gốc tổ tiên và những nét đẹp văn hóa cổ xưa cần được trân trọng, giữ gìn.
Ngày nay, những dấu tích văn hóa của Bát Đàn xưa chỉ còn vương vấn trên mái đình cổ hay một vài ngôi nhà rêu phong cũ…Nhưng đó là những dấu tích gợi lên một phần chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến mà mỗi người con Hà Nội luôn muốn tìm về.
Nhắc đến phở bò ngon, người sành ăn hẳn không thể không nhắc đến phở Bát Đàn. Nửa thế kỷ trôi qua, cũng là ngần ấy năm thương hiệu phở Bát Đàn gắn bó người dân Thủ đô. Tô phở Bát Đàn đặc trưng cho phở bò Hà Nội nguyên gốc, thơm phức, béo ngậy, nước dùng trong veo, miếng thịt bò tươi hồng, mềm mịn, đầy đặn đã tạo nên sức hấp dẫn không chỉ với người Hà Nội mà còn với thực khách gần xa, trong và ngoài nước tìm đến.
Nếu muốn được phục vụ chu đáo, hay ngại xếp hàng, xin nói luôn phở Bát Đàn không dành cho bạn. Quán đông đến nỗi để có được tô phở, thực khách phải xếp hàng dài và chờ đợi rất lâu mới đến lượt, đặc biệt là ngày chủ nhật. Giá cho mỗi bát phở trung bình là 40.000 đồng.
Phở Bát Đàn xếp hàng thành phở… hết hàng
Hàng phở Bát Đàn đã quá nổi tiếng bởi cái cảnh xếp hàng, trả tiền trước để được mua bát phở. Thế nhưng chưa hết, chỉ khoảng 9h, thực khách không tới nhanh sẽ chẳng có phở để ăn.
Cái tiết trời đầu thu mát mẻ lại níu người ta dậy muộn hơn, vậy là hơn 9h sáng, sau khi chồng nói “chán cơm… thèm phở”, chúng tôi phi xe chạy lên phố Bát Đàn. Dù đã nhiều lần ghé qua quán phở “xếp hàng” ở Bát Đàn nhưng tôi đều đi khá sớm, tôi thích cái cảm giác được xếp hàng dông dài, tay cầm tiền lẻ và tờ báo vừa đọc, vừa ngóng, rồi nhích chân để mua phở.
Đến muộn nhưng quán vẫn cứ đông, trước tôi có khoảng 5,6 người đang “rồng rắn” chờ tới lượt được bưng tô phở nóng hôi hổi. Cơn gió heo may rì rào thổi, lớt phớt vài hạt mưa. Phố Bát Đàn chật chội hơn khi hai hàng dài xe máy của người ăn phở xếp dưới lòng đường. Vừa tập xe máy len vào hàng trước quán, trong quán vọng ra: “hết phở, hết phở rồi nhé, xếp xe đừng cho khách vào”.
Hai vợ chồng tôi ngơ ngác, nhìn trong cái quầy phở đặc trưng của Hà Nội xưa vẫn thấy nghi ngút khói từ nồi nước dùng thơm phưng phức, bà chủ quán vẫn thoăn thoắt tay chia phở, xếp thịt, múc nước dùng vào bát phở cho khách. Bên cạnh, ông chồng vẫn dùng chiếc dao sắc lém thái những miếng thịt bò bản to, mỏng tang. Tiếng “hết phở” lan truyền ngày càng to hơn. Không chịu cám cảnh vượt tới 12 cây số lên đây mà không được ăn phở, vợ chồng tôi vẫn… lao vào hy vọng vớt vát được 2 bát chót.
Thật là mừng vì chủ quán sau khi lẩm nhẩm đếm số người xếp hàng đã gật đầu: đến cái anh đầu trọc (chồng tôi) là hết phở nhé. Tự nhiên cái cảm giác ăn phở “vớt” thật tuyệt.
Chồng tôi đứng xếp hàng chờ phở, còn tôi thì nhanh chóng đi tìm một chỗ ngồi. Đã gần 9h30 phút, quán vẫn đông, mọi người “hì hụi” ăn phở. Món phở ở đây nhìn chung rất tuyệt, ngon từ nước dùng, tới bánh phở và thịt bò. Thế nên dù có xếp hàng, có bị cau có, quán vẫn đông khách nườm nượp.
Dù tiếng “hết phở” được phát ra đều đều nhưng nhiều người vẫn cứ nối vào đám người ngày càng dài ra. Sau chồng tôi là 2 bạn người nước ngoài, trong đó có một bạn gốc Á, biết nói tiếng Việt. Nghe hai tiếng “hết phở” cô chạy ra hỏi một bạn dọn bàn: “ủa sao tôi thấy vẫn còn khách mà chủ quán lại không bán nữa?”. Người dọn bàn nhã nhặn: “quán em chỉ bán tới giờ này thôi, ông bà chủ mệt rồi, với lại bánh phở cũng hết, có gì khoảng 5h chiều anh chị quay lại nhé”.
Thì ra, chẳng phải thiếu khách mà do “ông bà chủ mệt”, nên quán hô hết phở để nghỉ. Đó cũng là cái nét riêng “bao cấp” còn xót lại tới hết cả thập kỷ đầu của thế kỷ 21 này.
Vẫn trong lúc chờ được ăn tô phở, bỗng có một anh phụ bàn bê một chiếc mâm to, bên trên có 6 tô phở nghi ngút khói lướt qua trước mặt, thật nhanh chóng anh hẩy cửa chui tót vào bên trong quán cafe bên cạnh. Cùng lúc, chồng tôi sau khi “chiến đấu” 15 phút tại quầy bán đã bưng ra 2 tô phở bò chín nạm tuyệt ngon để lên bàn. “Hình như có đường dây… chạy phở vợ ạ”. Tôi phì cười khi chồng tôi gọi việc bưng phở qua quán cafe bên cạnh là “đường dây chạy phở”.
Nếu bạn không muốn xếp hàng, lại thích một ly cafe buổi sáng, hãy sang quán xung quanh rồi “order” người phục vụ, bạn sẽ có một tô phở Bát Đàn với giá chỉ nhỉnh hơn giá ở quán bán vài nghìn đồng. Âu cũng là cái thú của dân Hà thành đó chứ! Thi thoảng, mời bạn ghé qua đây để thấy một Hà Nội xa xưa trong sự hiện đại…