Bún bò Huế là một trong những đặc sản được yêu thích nhất tại mảnh đất cố đô. Món ăn này không chỉ góp phần làm nên nét đặc trưng cho ẩm thực Huế mà còn được yêu thích khắp Việt Nam. Tô bún bò Huế hấp dẫn thực khách từ hình thức bắt mắt đến hương vị đậm đà khó quên.
Bún bò Huế từng được khen là món ngon nhất thế giới
Nếu điểm qua danh sách các món ăn được yêu thích nhất của người Việt, ngoài phở, bánh mì… có lẽ bún là món không thể bỏ qua. Có rất nhiều loại bún ngon như bún chả, bún cá, bún ốc, bún đậu mắm tôm… Nhưng trong số đó, bún bò Huế nổi tiếng hơn cả bởi hương vị thơm ngon đặc biệt, khác hẳn so với các loại bún thông thường. Bún bò Huế từng được Tổ chức kỷ lục châu Á đưa vào danh sách Top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2012…
Bún bò Huế là một trong những món bún nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Ảnh: @ny.foodie
Năm 2014, trong một tập của series phim “Anthony Bourdain: Parts Unknown” sản xuất bởi kênh truyền hình CNN, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đã đến Huế và có dịp thưởng thức món bún bò của vùng đất cố đô. Ông đã nhận xét “Bun bo Hue is the greatest soup in the world” (Tạm dịch: Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức).
Bún bò Huế từng được đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain nhận xét là món soup ngon nhất thế giới. Ảnh: @mybigbeautifulbelly
Truyền thuyết thú vị về món bún bò Huế
Nguồn gốc của bún bò Huế đến bây giờ vẫn được lưu truyền trong dân gian qua câu chuyện thú vị. Vào thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16), tại làng Cổ Tháp, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có một thiếu nữ sống bằng nghề làm bún nên người ta hay gọi với cái tên là cô Bún. Vì xinh đẹp, lại giỏi giang nên cô được dân làng yêu mến nhưng cũng có không ít kẻ ganh ghét. Có thời gian, làng bị mất mùa 3 năm liên tiếp. Kẻ xấu nhân lúc này rao tin rằng mọi chuyện là do cô Bún đã lấy gạo là “hạt ngọc của Trời” mang đi xay để làm bún khiến Trời nổi giận. Thế là trưởng làng đã ra lệnh cho cô phải bỏ nghề bún nếu không thì sẽ bị trục xuất khỏi làng. Vì yêu nghề nên cô đã lựa chọn ra đi khỏi làng.
Bún bò Huế được cho là có nguồn gốc từ cô gái xưa kia có tên cô Bún. Ảnh: @what.jessie.eats
Do được dân làng yêu mến nên cô Bún nhận được ân huệ đó là có 5 thanh niên khỏe mạnh hộ tống và giúp cô mang cối xay bún đi. Cô Bún cùng đoàn thanh niên đã đi về hướng Đông dọc theo sông Bồ. Họ dừng lại tại làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, Huế). Tại đây, cô Bún tiếp tục phát triển nghề làm bún và đồng thời, cô lấy thịt bò nấu thành nước dùng. Từ đó, món bún bò ra đời, được lưu giữ và phát triển. Bún bò Huế ngày nay đã được cải biên hơn với nhiều thành phần như: giò heo, chả cua, tiết lợn.
Bún bò Huế ngày nay đã được cải biên hơn với nhiều thành phần. Ảnh: @livelikefoodie
Sự khác biệt của bún bò Huế
Bún bò ở mỗi vùng miền của Việt Nam sẽ mang những nét đặc trưng khác nhau. Bún bò ở miền Bắc có phần nước dùng ngập bát với sợi bún nhỏ. Bún ở miền Nam còn gọi là bún bò xào, không có nước dùng mà dùng thay bằng nước mắm chua ngọt. Khi ăn, thực khách sẽ trộn thịt bò, rau sống cùng nước mắm và thưởng thức.
Bún bò Huế lọt vào danh sách top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á. Ảnh: @joy.2.my.tummy
Bún bò Huế thì lại có nét đặc trưng rất riêng từ hình thức sợi bún to hơn thông thường tới vị ngọt của bún từ thịt bò, thịt heo, chả cua. Điểm đặc trưng trong hương vị của bún bò Huế đó chính là mùi sả thơm lừng và hương mắm ruốc thơm nồng có thể cảm nhận được ngay từ khi ở xa.
Điểm đặc trưng trong hương vị của bún bò Huế đó chính là mùi sả thơm lừng và hương mắm ruốc thơm nồng. Ảnh: @chefalexong
Bún bò Huế được chế biến cầu kỳ như thế nào?
Một tô bún bò chuẩn vị Huế sẽ gồm: sợi bún, thịt bò hoặc thịt heo, tiết heo, chả cua và nước dùng. Nguyên liệu làm bún là bột gạo pha với bột lọc theo tỷ lệ nhất định để sợi bún có độ dai vừa phải. Món bún bò Huế chính gốc có điểm đặc biệt là sợi bún to hơn hẳn các món bún khác. Thời xưa, người ta thường dùng đinh 3 phân để đục lỗ khuôn bún cho bột đi qua nên sợi bún to hơn bình thường. Và người dân thường chọn lấy bún từ làng Vân Cù ở Huế có lịch sử khoảng 400 năm theo nghề làm bún. Bún ở nơi đây luôn tươi và có độ thơm, dẻo dai hơn hẳn các nơi khác.
Sợi bún ở Huế to và dai hơn những nơi khác. Ảnh: @tiajkim
Bên cạnh đó, phần chọn nguyên liệu làm nhân và nước dùng cho bún bò Huế cũng rất quan trọng. Thịt bò được chọn là phần bắp chân trước, bắp hoa hoặc nạm bò có màu đỏ tươi với phần mỡ bò màu vàng nhạt. Người ta còn dùng xương ống bò để hầm trong khoảng một tiếng cho nước dùng thêm ngọt. Ngoài thịt bò thì còn sử dụng đến thịt chân giò và chả cua.
Phần thịt giò heo béo bùi. Ảnh: @_journeythroughmylens_
Thịt bò và thịt heo được rửa sạch rồi chần sơ qua nước sôi có pha chút giấm hoặc chanh trong khoảng 10 phút để thịt mềm và sạch hơn. Tiếp đến, xương, giò heo, nạm bò, bắp bò được cho vào nồi hầm với sả và muối. Khi nước bắt đầu sôi, người ta thường vớt bọt để nước dùng trong và không bị tanh. Thịt chân giò nhanh chín nên được vớt ra trước, rồi đến thịt nạm và cuối cùng là xương bò. Sau đó, các nguyên liệu này được ngâm vào nước muối loãng để tránh bị đen.
Thịt cho thêm chút sả rồi mang hầm để lấy nước dùng ngọt. Ảnh: @_journeythroughmylens_
Chả cua được làm từ gạch và thịt xay nhuyễn của cua. Món chả cua có màu cam rất bắt mắt và hương vị béo, bùi, thơm ngon.
Tiết lợn và chả cua là điểm nhấn tạo sự khác biệt cho bún bò Huế. Ảnh: @foodie_mama125
“Linh hồn” của món bún bò Huế chính là ở phần nước dùng được hầm từ xương, thịt rồi nêm một ít đường, nước mắm. Tiếp đến, người ta đánh tan mắm ruốc (mắm từ một loại tép biển) với nước lạnh rồi cho vào nồi nước dùng đang sôi. Ngoài ra, nồi nước dùng còn cho thêm sả để dậy mùi thơm hấp dẫn. Nước dùng ngon phải đạt tiêu chí trong và khi nếm phải có vị ngọt dịu dễ chịu của xương và thịt.
Tô bún bò Huế chuẩn vị là có hương mắm ruốc thơm nồng hòa với hương sả. Ảnh: @eatingwithtitu
Cuối cùng là chuẩn bị rau sống ăn kèm gồm: rau thơm, xà lách, giá đỗ, bắp chuối thái nhỏ.
Hương vị thơm ngon, đậm đà đặc biệt của bún bò Huế
Món bún bò Huế có nhiều lựa chọn như bún giò heo, bún nạm bò, bún tái (phần thịt bò xắt mỏng chần sơ qua nước), bún chả cua. Người bán sẽ tùy theo nhu cầu của thực khách mà cho nguyên liệu phù hợp rồi rưới nước dùng ngập mặt bún. Thực khách sẽ bị hấp dẫn với sắc cam của dầu điều, màu nâu của tiết lợn, của thịt bò, thịt heo và chắc chắn không thể thiếu màu xanh của hành, ngò thêm chút giá đỗ trắng ngần. Tô bún nóng hổi, tỏa hương thơm lừng khiến ai cũng muốn thưởng thức ngay lập tức.
Một phần bún bò Huế đầy đủ gồm: bún, nước dùng, nhân, rau, giá… Ảnh: @cookingwithmamamui
Đặc trưng của người Huế là thích ăn cay, chính vì vậy, mỗi tô bún đều đi kèm một chút ớt sa tế vừa giúp món ăn thêm màu sắc, lại giúp kích thích vị giác. Thực khách có thể cho một ít rau sống vào bát rồi dùng đũa trộn đều tô bún. Từng sợi bún hòa quyện trong vị ngọt của nước hầm xương, thêm chút đậm đà của thịt cùng vị thanh mát của rau sống. Bún bò Huế có đủ vị cay, bùi, ngọt để làm nên một món ăn ngon xiêu lòng thực khách.
Bún bò Huế có đủ vị cay, bùi, ngọt để làm nên một món ăn ngon xiêu lòng thực khách. Ảnh: @foodie_mama125
Thưởng thức bún bò Huế ở đâu?
Bún bò Huế là món ăn đã quá đỗi quen thuộc với người dân vùng cố đô. Du khách đến nơi đây có thể ghé qua các nhà hàng, quán ăn nhỏ hoặc các gánh hàng nơi vỉa hè để thưởng thức món bún đậm đà với giá chỉ khoảng 20.000-30.000đ/tô. Bún bò Huế có mặt khắp nơi ở đất cố đô nhưng ngon nhất phải kể đến những địa chỉ:
Quán O Cương Chú Điệp: 06 Trần Thúc Nhẫn, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.
Quán O Phượng: 24 Nguyễn Khuyến, phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
Quán O Hòa: 162 Mai Thúc Loan, phường Thuận Thành, thành phố Huế.
Quán Cẩm: 38 Trần Cao Vân, phường Phú Hội, thành phố Huế.
Ảnh: @theblogofsalt
Nếu có dịp đến Huế, bạn nhất định nên dành thời gian thưởng thức bún bò Huế. Món ăn này chứa đựng sự tinh tế như tính cách của người dân nơi đây. Một lần thưởng thức bún bò Huế, chắc chắn du khách sẽ lưu luyến mãi không quên.
Nguồn tham khảo:
Zingnews
Báo Thanh Niên
Youtube Channel: Food and Travel